Năm 2012, xuất siêu của ngành dệt may sẽ vượt 7,6 tỷ USD In
Thứ tư, 21 Tháng 11 2012 13:19
Mặc dù chịu tác động nặng nề từ khủng hoảng kinh tế thế giới nhưng chín tháng của năm 2012, kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam tại một số thị trường lớn vẫn duy trì được mức tăng trưởng.
Chín tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành dệt may đạt 12,6 tỷ USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước, tiếp tục là mặt hàng xuất khẩu dẫn đầu của cả nước.
Trao đổi với phóng viên, bà Đặng Phương Dung, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, dự báo tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may cả năm có thể đạt 17-17,5 tỷ USD, như vậy với tỷ lệ nội địa hóa hiện từ 45-48% thì xuất siêu toàn ngành có thể vượt 7,6 tỷ USD (tăng 1,1 tỷ USD so với năm trước).
- Tín hiệu phục hồi của kinh tế thế giới còn chưa rõ ràng, vậy xin bà cho biết những thuận lợi và khó khăn của ngành dệt may trong thời gian tới?
Bà Đặng Phương Dung: Có thể thấy, mặc dù chịu tác động nặng nề từ khủng hoảng kinh tế thế giới nhưng chín tháng của năm 2012, kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam tại một số thị trường lớn vẫn duy trì được mức tăng trưởng.
Cụ thể, tại thị trường Mỹ hiện tăng 11%; còn tại thị trường EU dù đà suy giảm chưa kết thúc nhưng tốc độ tăng trưởng xuất khẩu vẫn là 1%.
Bên cạnh đó, xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc sau khi chững lại trong quý 2 và nửa đầu quý 3  thì đến tháng Chín đã tăng trở lại, riêng Hàn Quốc tăng 14% còn Nhật Bản tăng 2,2%.
Tuy nhiên, thị trường của ngành dệt may chủ yếu là nước ngoài và sự phục hồi kinh tế còn chưa vững chắc nên những khó khăn này sẽ có thể ảnh hưởng trực tiếp sang năm 2013.
- Vậy ngành dệt may đã có những giải pháp gì để tháo gỡ khó khăn và mục tiêu tăng trưởng trong năm 2013 như thế nào thưa bà?
Bà Đặng Phương Dung: Nhìn vào năm 2011, tuy khủng hoảng kinh tế thế giới đã ảnh hưởng rộng khắp nhưng đơn hàng của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam vẫn rất nhiều và lúc đó các doanh nghiệp cũng có điều kiện tăng đơn giá hàng xuất khẩu. Thời điểm đó, chủ yếu các nhà nhập khẩu phải đi tìm các nhà xuất khẩu. Nhưng bước sang năm 2012 thì tình hình đã đổi khác, vấn đề nhập khẩu của các thị trường xuất khẩu dệt may lớn của Việt Nam đều giảm.
Xuất khẩu dệt may của Việt Nam vào Mỹ đã tăng chậm hơn do nợ công, thất nghiệp, ảnh hưởng đến sức mua tiêu dùng. Thị trường EU cũng giảm do nhiều khách hàng là những công ty bán lẻ rất lớn nhưng cũng phải đóng cửa; còn thị trường Hàn Quốc năm 2011 mặc dù có thời kỳ đã tăng trưởng tới 200% nhưng nửa đầu năm vừa qua đã giảm 2%...
Trong năm 2013 với mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu khoảng 7% so với năm nay thì hiện ngành dệt may đang dồn sức giải quyết 3 vấn đề, đó là tìm kiếm thêm thị trường mới, khai thác triệt để thị trường chủ lực và tập trung mở rộng thị trường trong nước.
Riêng trong nước ngành sẽ phải tăng cường các chương trình khuyến mãi, đưa hàng về các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa và cùng với Bộ Công Thương đẩy mạnh các hoạt động của chương trình "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"...
Chúng tôi khẳng định, công tác phát triển thị trường đã được ngành dệt may và các doanh nghiệp trong ngành làm liên tục trong nhiều năm qua, chứ không phải khi kinh tế khó khăn, các thị trường lớn có “vấn đề” thì ngành dệt may và doanh nghiệp dệt may mới thực hiện. Chỉ có điều trước đây các thị trường thuận lợi và dễ làm hơn nên các doanh nghiệp không tập trung triển khai mạnh mẽ, còn đến thời điểm này thì công tác phát triển thị trường đang nổi lên thành một vấn đề lớn.
Yêu cầu tất yếu hiện nay để ngành có thể đạt mục tiêu xuất khẩu của năm 2012 cũng như các năm tiếp theo chính là bên cạnh những thị trường truyền thống, cần phải mở thêm những thị trường mới. Muốn vậy, phải làm tốt hơn các chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ, triển lãm tại nước ngoài đồng thời các doanh nghiệp phải chủ động chuẩn bị trước những gì cần thiết để đáp ứng yêu cầu của khách hàng ngay tại các chương trình xúc tiến thương mại.
Tìm hiểu trước về khách hàng, nguồn hàng, thông tin về những doanh nghiệp tham dự các chương trình để có thể tiếp cận được, sao cho một đồng chi phí bỏ ra, khi về phải có hiệu quả.
- Vấn đề lao động luôn là bài toán đặt ra cho ngành dệt may, vậy lãnh đạo ngành đã có giải pháp gì để ổn định cũng như nâng cao năng suất chất lượng của công nhân thưa bà?
Bà Đặng Phương Dung: Trong số các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành dệt may, giải pháp về nâng cao năng suất lao động cũng rất được coi trọng. Mặc dù công tác quản lý năng suất chất lượng tại các doanh nghiệp dệt may đã được đầu tư quan tâm và cũng đã mang lại hiệu quả hơn so với phương pháp quản lý trước đây, tuy nhiên năng suất lao động đạt được vẫn thấp so với một số quốc gia, vùng lãnh thổ trong khu vực, như chỉ bằng 1/3 so với Hồng Kông, bằng 1/4 so với Trung Quốc và bằng 1/8 so với Hàn Quốc. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến giá thành, làm giảm tính cạnh tranh của sản phẩm.
Để giải quyết vấn đề này cần thiết phải đào tạo đội ngũ từ lao động đến cán bộ quản lý cấp trung và cao. Quản lý trong sản xuất, tiết kiệm mọi chi phí, kiểm soát tốt thời gian trên dây chuyền của người lao động. Chú trọng nâng cao tay nghề cho công nhân, tiết kiệm thao tác thừa, rút ngắn thời gian hoàn thành sản phẩm để nâng cao năng suất.
Bên cạnh đó là đẩy mạnh xúc tiến thương mại, phát triển thị trường làm sao để treo được nhãn hiệu của doanh nghiệp trên chính sản phẩm của mình, xây dựng được những thương hiệu Dệt may Việt Nam được người tiêu dùng thế giới biết đến, không như hiện nay chỉ ghi được “Made in Vietnam,” chưa thể hiện được thương hiệu của nhà sản xuất nào đến với người tiêu dùng.
Yêu cầu tất yếu nữa là ngành dệt may phải hình thành được các cụm công nghiệp đáp ứng xu hướng của dệt may thế giới hiện nay là phải theo chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị, giảm thiểu chi phí liên quan đến sản xuất, và tự mình phải sản xuất các nguyên liệu chủ yếu, tránh lệ thuộc quá nhiều vào nhập khẩu như hiện nay